Trang chủ | Giới thiệu | Dân tộc Hà Nhì | Học tiếng Hà Nhì | Sơ đồ trang

Giới thiệu bộ chữ Hà Nhì (đang trong quá trình hoàn thiện)

Không có nhận xét nào

 Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người Hà Nhì và những khó khăn trong quá trình lưu giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là tiếng người Hà Nhì, cần thiết phải xây dựng một bộ chữ Hà Nhì.

Tác giả xin giới thiệu Bộ chữ Hà Nhì (đang trong quá trình hoàn thiện) của TS. Phan Lương Hùng - Trưởng phòng nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học được xây dựng trên cơ sở kế thừa các ký tự chữ viết La-tinh và cách phát âm tiếng Việt quốc ngữ. Một số nguyên tắc kỹ thuật để xây dựng sử dụng bộ chữ viết là:

1. Tận dụng toàn bộ chữ cái ký tự của bộ chữ La - tinh và chữ cái tiếng Việt;

2. Sử dụng cách đọc của tiếng Việt để phiên âm tiếng Hà Nhì đối với những chữ cái có thể phiên âm chính xác. Ví dụ: à ma (đọc là "à" "ma" như tiếng Việt nghĩa là Mẹ), ú chụ (Nước), đa li (đi lên),...

3. Dùng một chữ cái hoặc ghép hai chữ cái và quy ước cách đọc để phiên âm những âm tiết còn lại mà tiếng Việt không thể phiên âm. Ví dụ: hò dzà (ăn cơm), lhò (thuyền), à kừ (con chó), trè đhù (cuốc đất), phu thè (cấm, nghiêm cấm)...

4. Tùy vào ngữ cảnh khác nhau có thể có cách đọc nhấn âm khác nhau với cùng một chữ cái. Ví dụ: trè (cái cuốc) với tro (đâm), nà (nghỉ ngơi) với y na (đen, màu đen),...

5. Thanh điệu được tạo từ các dấu: dấu sắc ( ' ), dầu huyền ( ` ), dấu nặng ( . ), chữ Hà Nhì không có dấu hỏi và dấu ngã như tiếng Việt.

6. Đối với các chữ y, i, j: y được dùng với vai trò là một phụ âm (VD: y chạ (xấu, bẩn), ý (đi, ra đi); i được dùng như một nguyên âm (VD: mí trạ (đất), mì già (vợ); j thường được dùng để ghép chữ cái hoặc một số trường hợp được dùng độc lập để làm phụ âm (VD: hu dja ma (con sóc), ja (được, nhận được).

Việc tuân thủ các nguyên tắc trên đảm bảo chữ Hà Nhì dễ dàng phổ biến, giúp người mới học nhanh chóng tiếp cận với bộ chữ, đảm bảo phát âm chuẩn; việc tận dụng đầy đủ các chữ cái La - tinh và tiếng Việt giúp xây dựng văn bản đầy đủ khi viết tên riêng hoặc những thuật ngữ khoa học, hành chính chưa thể phiên âm sang tiếng Hà Nhì.

Dưới đây là bảng chữ Hà Nhì và hướng dẫn cách đọc.

Mô hình khẩu hình chữ Hà Nhì
Chú thích Mô phỏng khẩu hình trên người

Các chữ cái chữ Hà Nhì được trình bày theo thứ tự sau: (ký tự trong /.../ là ký phiên âm trong bảng ngữ âm quốc tế)
* Ví dụ minh họa theo cách nói của người Hà Nhì Huổi Luông

1. a /a/: 

Đọc là “a” như trong tiếng Việt. Ví dụ: hjá đhe (ruộng), đa li (lên), g (j) thè (lợn rừng).

Nghe:

2. b /b/: 

Đọc giống "b" trong tiếng Việt. Ví dụ: bạ (cầm), bị (cho), be (phát rẫy)

Nghe:

3. c /k/: 

Đọc giống "c", "k" trong Tiếng Việt. Ví dụ: ca tư (cái nỏ), co (chọc), ù ca (cái lược)

Nghe:

4. d /z/: 

Đọc giống "d" trong tiếng Việt. Ví dụ: dà (con, con cái), do (trúng), dạ (xuống)

Nghe:

5. đ /d/: 

Đọc giống "đ" trong tiếng Việt. Ví dụ: đa (lên), đo (vào), đjẹ (sống)

Nghe:

6. e /ε/: 

Đọc giống "e" trong tiếng Việt. Ví dụ: jè (thái), gạ (jạ) thè (lợn rừng), be (phát rẫy)

Nghe:

7. g /ɣ/: 

Đọc giống "g" trong tiếng Việt. Ví dụ: gạ (jạ) thè (lợn rừng), gò pạ (rau cải), gư (nhổ, kéo)

Nghe:

8. h /h/: 

Đọc giống "h" trong tiếng Việt. Ví dụ: hjá đhe (ruộng), hò nhò (cơm nếp), hừ (to, lớn)

Nghe:

9. i /i/: 

Đọc giống "i" trong tiếng Việt. Ví dụ: bhìa (ong), bị (cho), mí no (hôm qua)

Nghe:

10. j /j/: 

Đọc giống "j" trong tiếng Anh (yes, your,..). Ví dụ: ja (được), jọ chạ (lệch đi), jụ (ngủ), jè (thái)

Nghe:

11. k /kʰ/: 

Đọc giống "k" trong tiếng Anh. Ví dụ: ká bje (bùn), kjo (nặng), ká (thưa thớt)

Nghe:

12. l /l/: 

Đọc giống "l" trong tiếng Việt. Ví dụ: lạ phí (ớt), lo đhá (dựa vào), lè trì (giặt)

Nghe:

13. m /m/: 

Đọc giống "m" trong tiếng Việt. Ví dụ: mà xì (không biết), mjo (chín), mẹ (đói, khát)

Nghe:

14. n /n/: 

Đọc giống "n" trong tiếng Việt. Ví dụ: nạ (sâu), nò (giẫm), ní (đỏ)

Nghe:

15. o /ᴐ/: 

Đọc giống "o" trong tiếng Việt. Ví dụ: lhò (thuyền), hò nhò (cơm nếp), chsó (ngồi)

Nghe:

16. p /p/: 

Đọc giống "p" trong tiếng Việt. Ví dụ: pa (rách, vỡ), pẹ (mổ), pọ (lá phổi)

Nghe:

17. s /ɕ/: 

Đọc giống "sh" trong tiếng Anh. Ví dụ: sí (chết), so kja (tuốt xuống), sự (mới)

Nghe:

18. t /t/: 

Đọc giống "t" trong tiếng Việt. Ví dụ: ta (sắc), to (gói), te (đánh)

Nghe:

19. u /u/: 

Đọc giống "u" trong tiếng Việt. Ví dụ: khụ (năm), nhù (trâu), pú (trôi)

Nghe:

20. ư /ɯ/: 

Đọc giống "ư" trong tiếng Việt. Ví dụ: hừ (to, lớn), trự (cạo, nạo), ự (cõng)

Nghe:

21. x /s/: 

Đọc giống "x" và "s" trong tiếng Việt. Ví dụ: xạ (hơi thở), xó lạ (thơm), xẹ (giết, mổ)

Nghe:

22. y /i/: 

Đọc giống "i", dùng trong trường hợp âm "i" được xem như là phụ âm. Ví dụ: y úy (cũ), y sự (mới), y chạ (xấu, bẩn)

Nghe:

23. z /ʒ/: 

Đọc như "z" trong tiếng anh. Ví dụ: za zò (gom lại), ù zé (trời mưa), zừ (đẹp), zù thà (giữ lại)

Nghe:

24. bh /b̤/: 

Âm tạo ra từ hầu đi lên và bật thành tiếng ở hai đầu môi. Ví dụ: bhà (mỏng), đa (đhe) bhó trsì (đắp bờ ruộng), bhí (chia, phân chia)

Nghe:

25. ch /ʦ/: 

Đọc giống "ch" trong tiếng Việt. Ví dụ: hò chạ (nấu cơm), y chạ (xấu xí)

Nghe:

26. chs /ʦʰ/: 

Âm tạo ra từ hầu đi lên và bật thành tiếng từ mạt lưỡi và ngạc cứng. Ví dụ: chsà (đẹp), chsó (ngồi), a (á) chsí (chim)

Nghe:

27. tr /ʨ/: 

Âm được tạo ra khi mặt lưỡi phần gần đầu lưỡi đặt tại điểm giữa của lợi và ngạc cứng rồi bật hơi. Ví dụ: tró (người), mí trạ (đất), tro (đâm), trự (cạo, nạo)

Nghe:

28. trs /ʨʰ/: 

Âm được tạo ra khi mặt lưỡi đặt tại ngạc cứng rồi bật hơi. Ví dụ: trsá (hát), trse (nhọn), trso (tìm kiếm), trsé (lúa)

Nghe:

29. ph /pʰ/: 

Bật âm gió từ hai đầu môi. Ví dụ: phjá (nhẹ), pho (mở), phjè (thả)

Nghe:

30. th /tʰ/: 

Đọc giống "th" trong tiếng Việt. Ví dụ: thá (rán), thò (giã), thè (chật, hẹp)

Nghe:

31. kh /χ/: 

Đọc giống "kh" trong tiếng Việt. Ví dụ: khà tre (con nai), khò á (vừa), khụ (năm)

Nghe:

32. qh /qʰ/: 

Âm tạo ra từ hầu đi lên và bật thành tiếng từ cuốn lưỡi và ngạc mềm. Ví dụ: hà qhừ (cây Giang), qhừ (đồng kim loại), qhư dza (thỏa thuận), qha (chậm)

Nghe:

33. gh /ɡ/: 

Bật âm từ cuống lưỡi và ngạc mềm. Ví dụ: gha (rét), gho (gầy, còi), ghu (sợ hãi)

Nghe:

34. lh /lʰ/: 

Bật âm gió từ đầu lưỡi và ngạc cứng. Ví dụ: lhá ma (lưỡi), lhò (thuyền), à lhè (cháu chắt), lhự (lột vỏ)

Nghe:

35. nh /ɲ/: 

Đọc giống "nh" trong tiếng Việt. Ví dụ: à nha (ở trên), nhí (nhỏ), nhú (nhó) (ngắn)

Nghe:

36. ng /ŋ/: 

Đọc giống "ng" trong tiếng Việt. Ví dụ: ngá (tôi), ngò (bẻ), mjò ngè (công việc)

Nghe:

37. dz /ʣ/: 

Bật âm từ gần đầu lưỡi và lợi. Ví dụ: dzà (ăn), tạ dzò (cái đục), dzự (đan lát)

Nghe:

38. đh /d̤/: 

Âm từ hầu đi lên bật thành tiếng từ đầu lưỡi và lợi. Ví dụ: hò (khò) đhà (nệm), đhó (thẳng), bùy đhé (con giun)

Nghe:

39. dj /ʤ/: 

Âm bật ra từ mặt lưỡi và ngạc cứng. Ví dụ: hu dja ma (con sóc), djọ (cái khóa), dju (lắc)

Nghe:

40. uy /y/: 

Âm từ hầu đi lên phát thành tiếng từ hai đầu môi chu nhỏ tạo thành một lỗ thoát âm nhỏ. Ví dụ: pùy kó (tơ, chỉ), đhò kúy (hông), y úy (cũ) ú nụy (não)

Nghe:

41. ( ) /33/: Không dấu. Ví dụ: bha lha (mặt trăng), bho sa (thổi đi)

42. (ˊ) /35/: dấu sắc. Ví dụ: nó ne ngá (bạn và tôi)

43. (ˋ) /32/: dấu huyền. Ví dụ: thò đhì (đánh trống), nùy sùy (khó nghĩ)

44. (.) /31/: dấu nặng. Ví dụ: lạ nự (khuỷu tay), bạ pụ (cho vào luộc)

Có thể thấy bên cạnh những cách ghi hợp lí, kế thừa được những đặc điểm quen thuộc của chữ Quốc ngữ thì cách ghi chữ Hà Nhì trên còn cho chúng ta thấy một số điểm bất hợp lí, trong đó có sự không thống nhất trong cách ghi đối với một số âm vị và có nhiều trường hợp sử dụng một con chữ cho hơn một âm vị. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là sự không tương đồng về hệ thống ngữ âm tiếng Việt so với hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nhì. Do đó, chữ Quốc ngữ không thể ghi lại một cách chính xác tiếng Hà Nhì. Điều này thể hiện rõ nét ở các trường hợp ghi âm vị /lʰ, dz, ʤ ʦʰ, tɕʰ…/ với nhiều cách ghi không thống nhất, trùng với các con chữ đã dùng để ghi các âm vị khác và gần như nhiều âm tiết trong nhóm âm vị này chỉ có người Hà Nhì bản ngữ mới phân biệt được. Đây là một khó khăn trong quá trình xây dựng bộ chữ cũng như việc phổ biến bộ chữ Hà Nhì sau này, người học phải hết sức chú ý ở các nhóm âm vị này.

Lưu ý: Bộ chữ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện do vậy mong nhận được những đóng góp quý báu của độc giả, các quy ước nêu trên chỉ là tham khảo cho tới khi phát hành bộ chữ chính thức có thể sẽ có những thay đổi.

Nếu bạn đọc thực sự quan tâm đến nội dung bài viết và mong muốn đóng góp những ý kiến để bổ sung hoàn thiện bài viết thì xin hãy để lại những lời nhận xét ở bên dưới. Những đóng góp của quý vị sẽ là những tri thức quý báu giúp lan tỏa sự hiểu biết đến với mọi người.