Trang chủ | Giới thiệu | Dân tộc Hà Nhì | Học tiếng Hà Nhì | Sơ đồ trang

Tình hình lưu hành chữ Hà Nhì trên thế giới và nguyên tắc xây dựng chữ Hà Nhì ở nước ta

Không có nhận xét nào
Học sinh người Hà Nhì học chữ
Học sinh người Hà Nhì học chữ
Ảnh: internet
Cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam chỉ là một bộ phận số ít khi nói về người Hà Nhì trên thế giới, theo ước tính đến thời điểm này dân số người Hà Nhì trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người, trong đó: ở Trung Quốc có khoảng hơn 1.700.000 người; Việt Nam có khoảng 25.000 người; ở một số nước Myama có khoảng 250.000 người, Lào có khoảng 70-80 nghìn người, Thái Lan cũng có khoảng 70-80 nghìn người. Như vậy, Việt Nam là quốc gia có dân số Hà Nhì ít nhất trong số các quốc gia có thành phần dân tộc Hà Nhì.
Nói về chữ viết dành cho người Hà Nhì, ở mỗi quốc gia và cộng đồng có người Hà Nhì cư trú đều có những bộ chữ viết riêng, tiêu biểu là người Hà Nhì ở Trung Quốc sử dụng các ký tự La-tinh được xây dựng từ năm 1957 và in ấn tài liệu giảng dạy vào năm 2015. Bộ chữ này sử dụng 26 kí tự Latinh được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau để ghi âm tiếng Hà Nhì (26 con chữ ghi phụ âm tiếng Hà Nhì: “b, p, m, f, bi, pi, mi, d, t, n, l, g, k, h, ng, hh, j, q, x, ni, y, w, z, c, s, ss”; 26 con chữ ghi nguyên âm tiếng Hà Nhì: “i, ei, yu, a, ao, o, u, e, ee, ii, iv, eiv, yuv, av, aov, ov, uv, ev, eev, iiv”; dùng các chữ cái l, q, f để biểu thị thanh điệu). Có thể thấy hệ thống chữ Hà Nhì ở Trung Quốc khá gọn nhẹ; cách ghi thanh điệu tuy gần với cách ghi thanh điệu trong chữ Mông Việt Nam, nhưng lại hoàn toàn xa lạ với chữ Quốc Ngữ; không thỏa mãn tiêu chí bắc cầu giữa chữ Quốc ngữ và chữ Hà Nhì được xây dựng.
Ở Việt Nam từ rất lâu cũng đã có những bộ chữ viết dành cho người Hà Nhì trong đó tiêu biểu có công trình chữ Hà Nhì của Tạ Văn Thông và Lê Đông (2001) trên cơ sở nghiên cứu tiếng Hà Nhì ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã đưa ra phương án chữ Hà Nhì gần giống với cách tiếp cận hiện nay tuy nhiên các bộ chữ được xây dựng chủ yếu mang tính chất tự phát khó phổ biến, còn đối với các bộ chữ được sử dụng phổ biến trên thế giới chưa thực sự phù hợp với người Hà Nhì ở Việt Nam do khó tiếp cận và phổ biến. Xuất phát từ những vấn đề trên cần thiết phải xây dựng một hệ thống bộ chữ Hà Nhì hoàn chỉnh, tính phổ quát cao và dễ dàng tiếp cận dành cho cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam.
Trên cơ sở các lí thuyết về tín hiệu học, tín hiệu, ngôn ngữ, chữ viết và thực tiễn cảnh huống ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam các chuyên gia nghiên cứu Viện ngôn ngữ học đã xác định một số nguyên tắc khi xây dựng bộ chữ Hà Nhì ở Lai Châu như sau:
Thứ nhất, sử dụng kí tự Latinh để xây dựng bộ chữ Hà Nhì tỉnh Lai Châu.
Thứ hai, bộ chữ Hà Nhì tỉnh Lai Châu phải tính đến đặc điểm của bộ chữ Quốc Ngữ, bộ chữ Hà Nhì ở Trung Quốc và một số bộ chữ khác phổ biến trong vùng cũng như các bộ chữ của các ngôn ngữ cùng loại hình như chữ Mông Việt Nam.
Thứ ba, bộ chữ Hà Nhì phải tính đến phương án lựa chọn của người bản ngữ Hà Nhì ở Lai Châu.
Thứ tư, hướng tới mục tiêu mỗi con chữ ghi một âm vị nhằm thể hiện được trung thực ngôn ngữ dưới dạng văn bản.
Thứ năm, bộ chữ Hà Nhì phải hướng tới việc bao phủ được tất cả các biến thể địa phương tiếng Hà Nhì ở Lai Châu.
Thứ sáu, sử dụng con chữ quen thuộc nhất có thể với âm mà nó biểu thị trong bộ chữ Quốc ngữ.
Thứ bảy, bộ chữ Hà Nhì phải tiết kiệm, dễ học, dễ dạy và dễ sử dụng.
Thứ tám, bộ chữ Hà Nhì phải thuận tiện cho việc chế bản và ứng dụng trong không gian mạng, truyền thông đa phương tiện.
Có thể thấy việc lựa chọn phương thức ghi âm đối với bộ chữ Hà Nhì là hợp lí do ưu điểm đơn giản, dễ sử dụng, dễ phổ cập và ứng dụng của loại chữ này. Bộ chữ Hà Nhì phải phản ánh đầy đủ và sát thực bộ mặt ngữ âm của ngôn ngữ này.
Về mặt tự dạng, do tính chất phổ biến và tiện dụng của tự dạng Latinh ở Việt Nam và trên thế giới nên đối với bộ chữ Hà Nhì, tự dạng Latinh là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là nguyện vọng của 75,5% số cộng tác viên (604/800) người Hà Nhì khi được hỏi về nguyện vọng đối với tự dạng của chữ Hà Nhì ở 08 xã được khảo sát. 24,5% số cộng tác viên (196/800) còn lại chọn phương án trả lời “không biết”. Bên cạnh đó, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam được quy định trong Hiến pháp. Trong những năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ người dân tộc biết tiếng Việt đã tăng lên đáng kể. Do vậy, bộ chữ Hà Nhì cũng cần phải kế thừa được những đặc điểm khả dụng của chữ Quốc ngữ để đảm bảo tính chất bắc cầu giữa chữ Hà Nhì với chữ Quốc ngữ; thuận lợi cho người Hà Nhì đã biết chữ Quốc ngữ học tiếng Hà Nhì và ngược lại; đồng thời cần phải sử dụng các kí hiệu với nội dung biểu đạt (ngữ âm) quen thuộc trong hệ thống chữ viết các dân tộc anh em khác lân cận trong khu vực miền núi phía bắc (ví dụ: chữ Mông Việt Nam,...).
Bộ chữ Hà Nhì cần phải được thiết kế sao cho dễ dàng chế bản trên máy vi tính thông thường mà không cần có các phần mềm hỗ trợ, bộ gõ chuyên biệt.
Đặc điểm cư trú của người Hà Nhì ở Việt Nam là phân tán và đan xen với các dân tộc khác từ Lai Châu sang Điện Biên và Lào Cai sau quá trình di cư từ Nam Trung Quốc trong một thời gian dài nên tiếng Hà Nhì ở các địa phương bên cạnh những đặc điểm chung còn có một số điểm khác biệt nhất định. Do vậy, việc xây dựng bộ chữ Hà Nhì phải tính toán đến các đặc trưng địa phương để chữ Hà nhì có thể ghi lại được tiếng nói của các vùng trên quy mô càng rộng lớn càng tốt, trong bối cảnh kết quả khảo sát cho thấy không có một thứ tiếng địa phương Hà Nhì nào được coi là chuẩn mực. Về nguyện vọng của người bản ngữ đối với bộ chữ viết của dân tộc mình, các chuyên gia cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng, cần đặc biệt được lưu ý, bởi chính họ mới là chủ thể sở hữu, sử dụng hệ thống chữ viết của dân tộc họ, bên cạnh những cảm nhận bản ngữ về việc sử dụng kí hiệu nào cho phù hợp đối với các hiện tượng ngữ âm – âm vị học của tiếng mẹ đẻ của họ. Do vậy, những cách ghi tự phát của người bản ngữ và các ý kiến góp ý đối với bộ chữ của người Hà Nhì được cân nhắc sử dụng tối đa có thể.
Việc lựa chọn con chữ theo nguyên tắc mỗi âm vị được ghi bằng một kí hiệu hoặc tổ hợp kí hiệu theo một số nguyên tắc sau:
+ Sử dụng kí hiệu gần nhất có thể với âm mà nó biểu thị.
+ Sử dụng kí hiệu quen thuộc nhất có thể với cộng đồng bản ngữ
+ Đối với các biến thể nếu có, lựa chọn biến thể có tần số hoặc phạm vi sử dụng lớn hơn.
Tham khảo bộ chữ Hà Nhì tại đây
---------------------
Theo TS. Phan Lương Hùng – Trưởng phòng nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Viện ngôn ngữ học

Nếu bạn đọc thực sự quan tâm đến nội dung bài viết và mong muốn đóng góp những ý kiến để bổ sung hoàn thiện bài viết thì xin hãy để lại những lời nhận xét ở bên dưới. Những đóng góp của quý vị sẽ là những tri thức quý báu giúp lan tỏa sự hiểu biết đến với mọi người.