Trang chủ | Giới thiệu | Dân tộc Hà Nhì | Học tiếng Hà Nhì | Sơ đồ trang

Sơ lược về lịch sử người Hà Nhì ở Việt Nam

Không có nhận xét nào

Người Hà Nhì
Cộng đồng người dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam
Người Hà Nhì có tên tự gọi là Hà Nhi dà, có nghĩa là “người Hà Nhì”. Tính đến năm 2019, theo kết quả Tổng điều tra dân số có tổng số 25.539 người Hà Nhì trên cả nước, trong đó tập trung tại các tỉnh Lai Châu (15.952 người), Lào Cai (4.661 người), Điện Biên (4.555 người) và sống rải rác trên 30 tỉnh thành khác''
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác về sự phân nhóm địa phương người Hà Nhì cũng như nhiều cách viết khác nhau về tên gọi các nhóm này. Lã Văn Lô, Nguyễn Hữu Thấu, Mai Văn Trí, Ngọc Anh, Mạc Như Đường (1959) đề cập đến người Hà Nhì dưới tên gọi U-ní với dân số 4.969 người, cư trú ở Lào Cai, Sìn Hồ, Mường Tè. Viện Dân tộc học (1978) cho rằng “Người Hà Nhì có tên tự gọi là Hà Nhi Già. Trước kia, tên gọi phổ biến của họ là U Ní, Xá U Ní.
Căn cứ vào sự khác nhau về phương ngữ, y phục hoặc phong tục tập quán, có thể chia người Hà Nhì thành ba nhóm chủ yếu: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì đen”. Ngô Vĩnh Bình – Nguyễn Khắc Tụng (1981) cho rằng có nhiều nhóm nhỏ khác nhau: “Hà nhì La mí, Hà nhì Cồ chồ, Hà nhì Kha rí, Hà nhì Y lé, Hà nhì Y phiếu. Song rõ hơn cả là chia thành hai nhóm: Hà nhì Y lé (Hà nhì hoa) và Hà nhì Ni ma (Hà nhì đen)”. Viện Dân tộc học (1983) cho rằng “U ní” hay “Xá U ní” là các tộc danh do các dân tộc khác dùng để gọi người Hà Nhì. Trong khi đó, dân tộc này có tên tự gọi là “Hà Nhì”. Về sự phân nhóm địa phương, công trình này cho rằng “Căn cứ sự khác nhau về phương ngữ, y phục và phong tục tập quán, có thể chia người Hà Nhì thành các nhóm Cồ Chồ và La Mí. Nhóm người Hà Nhì ở Bát Xát y phục không thêu như những nhóm khác mà chỉ một màu chàm sẫm, nên gọi là Hà Nhì Đen”. Đặng Nghiêm Vạn – Chu Thái Sơn – Lưu Hùng (1983) cho rằng người Hà Nhì có ba nhóm địa phương: “Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen”. Tạ Văn Thông – Lê Đông (2001) cho rằng “Người Hà Nhì ở Việt Nam được phân biệt thành các nhóm căn cứ vào một số khác biệt về văn hóa và có thể phần nào cả tiếng nói nữa.
người Hà Nhì hoa
Các cô gái người Hà Nhì hoa đang may áo
Ảnh: internet
Ở Lai Châu, người Hà Nhì tự chia thành hai nhóm: Co Chò (hay Cô Chồ) và Lạ Mí... Riêng nhóm người được gọi là Hà Nhì đen ở Bát Xát (Hà Nhì Nhì Na) thì có phần khác biệt rõ rệt hơn với hai nhóm trên”. Đặng Nghiêm Vạn (2003) cho rằng người Hà Nhì có ba nhóm địa phương: “Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen”. Hoàng Sơn (2008) cũng xác nhận ba nhóm địa phương Hà Nhì, bao gồm “Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen”. Tác giả cũng cung cấp thêm một số tên gọi (bên cạnh tộc danh Hà Nhì) được các dân tộc khác dùng để gọi người Hà Nhì như: Akhà (người Cống gọi), Maá (người Mông gọi), Kà Niá (người Dao gọi). Nhóm tác giả Bùi Quốc Khánh – Pờ Loóng Tơ – Phùng Chiến (2012) cũng đề cập đến các nhóm “Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Đen” khi đề cập đến con đường di cư của người Hà Nhì vào Việt Nam. Tuấn Nghĩa (2014) cho rằng “Trước năm 1945, người Hà Nhì được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: Uní, Xá, Khứa Di, A Khà. Sau năm 1945, tên gọi Hà Nhì với tư cách là tên tự gọi của dân tộc này mới chính thức trở thành tên gọi thống nhất của người Hà Nhì ở Việt Nam. Căn cứ vào đặc trưng trang phục, ngôn ngữ và đặc diểm nơi cư trú, các nhà nghiên cứu dân tộc đã chia người Hà Nhì ở Việt Nam thành hai nhóm khác nhau là người Hà Nhì đen (Nhà Nhì Lô Mê) và người Hà Nhì hoa (gồm nhóm Hà Nhì Cồ Chồ và nhóm Hà Nhì Lạ Mí)”. Trần Bình (2014) cũng chia người Hà Nhì ra làm ba nhóm địa phương khác nhau, bao gồm “Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen”. Tác giả Tuấn Nghĩa (2014) khi giới thiệu về Nghi lễ tang ma của người Hà Nhì ở Lào Cai đã liệt kê một số tên gọi của người Hà Nhì như sau: Uní, Xá, Khứa Di, A Khà, Hà Nhì.
Thiếu nữ Hà Nhì đen
Trang phục người phụ nữ Hà Nhì đen
Ảnh: internet
Nhìn chung, các tài liệu về người Hà Nhì đều thống nhất cho rằng “Hà Nhì” là tên tự gọi của cộng đồng này. Một số tên gọi khác được ghi nhận ở một số tài liệu, bao gồm “U Ní, Xá U Ní, Khứa Di, A Khà”. Về cách phân nhóm địa phương người Hà Nhì, có thể thấy phổ biến nhất là phương án phân chia thành ba nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí và Hà Nhì Đen. Trong đó đáng chú ý là có cả cách lưỡng phân hai bậc: Bậc 1 gồm Hà Nhì hoa và Hà Nhì đen. Bậc 2 bao gồm Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì La Mí là hai tiểu nhóm của Hà Nhì hoa. Riêng đối với một số nhóm “Hà nhì Kha rí, Hà nhì Y lé, Hà nhì Y phiếu” thì chỉ xuất hiện duy nhất trong công trình của nhóm tác giả Ngô Vĩnh Bình – Nguyễn Khắc Tụng (1981). Hiện nay, người Hà Nhì ở Lai Châu không còn biết đến các tên gọi này.

Vương quốc Nam Chiếu
Nam Chiếu quốc được lịch sử ghi nhận
là Vương quốc khởi nguồn của nhiều
dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam
Ảnh: internet (có chỉnh sửa)
Về lịch sử tộc người Hà Nhì ở Việt Nam, các tài liệu nghiên cứu đều thống nhất cho rằng người Hà Nhì vốn cư trú ở Nam Trung Quốc, di cư sang Việt Nam cách đây vài trăm năm. Viện Dân tộc học (1978) khẳng định rằng “Người Hà Nhì cũng như các dân tộc Tạng – Miến khác là những cư dân cư trú cư trú lâu đời ở miền Nam Trung Quốc và phía Bắc nước ta. Phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay sống ở tỉnh Lai Châu và Hoàng Liên Sơn đều di cư đến từ các huyện Kim Bình và Lục Xuân tỉnh Vân Nam. Người Hà Nhì tới Lai Châu khoảng hơn 300 năm trước. Bộ phận người Hà Nhì ở Hoàng Liên Sơn đến Việt Nam muộn hơn, cách đây khoảng trên 150 năm. Đợt di cư này xuất phát từ huyện Duệ Già tỉnh Vân Nam...”. Đặng Nghiêm Vạn (2003) cũng cho rằng “Người Hà Nhì tương truyền thiên di từ hai huyện Lục Xuân và Kim Bình, tỉnh Vân Nam vào Việt Nam nhưng truyền thuyết thường hay nhắc đến vùng Na Ma (biến âm của Nùm Ma) huyện Duệ Già, tỉnh Vân Nam”. Sử thi - Hapa P’hùy Canaca do nghệ nhân Pờ Loóng Tơ ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu kể lại với sự sưu tầm, giới thiệu cuả nhóm tác giả Bùi Quốc Khánh, Pờ Loóng Tơ, Phùng Chiến (2012) cũng đề cập đến vùng đất cổ có tên là Na Chô Chô Ứ ở đầu nguồn Nà Ma - nơi cư trú của người Hà Nhì được phân định với vùng cư trú của người Hán bằng con sông Ha Sa (chính là sông Hồng Hà ở Trung Quốc và gọi là Sông Hồng khi về đến Việt Nam mà người Hà Nhì gọi là Ha sa ló thò). Sau đó, người Hán chiếm được vùng cư trú của người Hà Nhì (với mô tuýp tương tự như câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy và Nỏ thần của người Việt) khiến họ phải lưu tán qua nhiều vùng đất: Chè Mì Mí Lhó, Mò Tè .. đến Trse Ló Nhù Khì thì một bộ phận ở lại còn cả đoàn tiếp tục đi qua Mò Pu Mò Pá, Mò Lé, Pa Há rồi đến đầu nguồn suối Khó Ma, nơi có nhiều cây báng, cây móc, cây cọ và các loại củ mài, củ nâu, củ pẩu nên ở lại. Theo ông Pờ Lóng Tơ cho rằng vùng đầu nguồn suối Khó Ma chính là khu vực đầu nguồn sông Đà (Jè ma ló thò) – Mường Tè ngày nay. Bùi Quốc Khánh, Pờ Loóng Tơ, Phùng Chiến (2012) trong phần chú giải của mình cũng cho rằng Mò Tè thuộc Mường Tè ngày nay; Trse Nhó Lù Khì thuộc bản Xi Nế, xã Mù Cả ngày nay; Mò Pu, Mò Pá thuộc xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn ngày nay; Mò Lé thuộc thị xã Mường Lay ngày nay; Pa Há thuộc huyện Sìn Hồ ngày nay và Khó Ma thuộc xã Pa Ủ, huyện Mường Tè ngày nay. Hoàng Sơn (2008) thông qua các tư liệu thu thập được, xác nhận rằng do bị người Hán thôn tính lãnh thổ, người Hà Nhì di cư từ Vân Nam vào Việt Nam qua ba con đường: Gồ lế sế ma láo, A lù ho và Duề ma bà. Trong đó, A lù ho là sườn núi A lù ở Bát Xát (Lào Cai) còn Duề ma  bà 
hay Jè ma ló thò chính là con sông Đà

Phụ nữ người Hà Nhì ở Huổi Luông
Phụ nữ Hà Nhì ở Huổi Luông tham gia
ngày hội văn hóa
Bản thân cộng đồng người Hà Nhì ở Huổi Luông cũng xác nhận câu chuyện lịch sử di cư của người Hà Nhì từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong đó có chi tiết về tên gọi Hà Nhì Kja Đu ở Huổi Luông, tức là nhóm Hà Nhì bị bỏ rơi lại.

 

 


 

Câu chuyện kể ý đại khái rằng trên hành trình di cư thì có nhóm người đi trước và nhóm người đi sau, nhóm đi trước đi đến đâu thì chặt ngang thân cây chuối rừng để làm dấu để nhóm đi sau biết đường đi theo sau, tuy nhiên đặc điểm của cây chuối là khi bị chặt đứt thì phần lõi (nõm) mềm ở bên trong nhô dài ra khỏi vết cắt rất nhanh nên mới có chuyện nhóm đi sau bắt gặp những cây chuối bị cắt với phần lõi nhô dài ra khỏi thân cây nên nghĩ là đoàn người trước đã đi quá xa không thể theo kịp nên tìm đường ở lại giữa đường và người Hà Nhì ở Huổi Luông cho rằng mình chính là nhóm người đi sau đã bị bỏ lại. Qua câu chuyện trên người Hà Nhì ở Huổi Luông thường bảo rằng mình là “kja đu Hà Nhì” nghĩa là người Hà Nhì rơi (bị bỏ rơi).
Chi tiết này hoàn toàn trùng khớp với sử thi Hà Nhì về một số nhóm ở lại dọc đường di cư.
Tuấn Nghĩa (2014) khi trích lại tư liệu trong cuốn “Giản sử dân tộc Hà Nhì” có viết “Từ nhà Đường, Tống đến giữa thời Diệp Gia Khánh của nhà Thanh, người Hà Nhì đã có sự cư trú phân tán đến rất nhiều các vùng núi khác nhau, trong đó có vùng núi Ai Lao, núi Lục Chiếu và phân tán ở bờ sông tiếp giáp với Việt Nam và vùng hạ lưu Lễ Xã”. Tác giả cũng trích dẫn quan điểm của Dương Lục Kim trong tài liệu “Nguồn gốc của người Hà Nhì ở Việt Nam” cho rằng “Người Hà Nhì ở Việt Nam và người Hà Nhì ở Trung Quốc có cùng nguồn gốc. Người Hà Nhì ở Việt Nam thiên di từ Vân Nam Trung Quốc và Lào. Người Hà Nhì ở Việt Nam vẫn nhắc đến vùng đất Nặc Mã Giáo A ở cao nguyên Thanh Tạng như là vùng đất tổ tiên hình thành dân tộc của mình. Dương Lục Kim cho rằng người Hà Nhì di cư đến Việt Nam thông qua bốn con đường chính sau đây:
- Một là từ Kim Bình đến Bát Xát, Lào Cai.
- Hai là từ Kim Bình đến Phong Thổ, Lai Châu.
- Ba là từ Giang Thành và Phông Sa Lỳ đến Mường Tè.
- Bốn là từ Lục Xuân đến Mường tè, Lai Châu. ...
Đoàn di cư đầu tiên đến Việt Nam từ thời đầu nhà Đường (618- 907)”.
Theo sự phân loại thân tộc ngôn ngữ, tiếng Hà Nhì thuộc tiểu nhóm Miến - Lô Lô, nhóm Tạng Miến, chi Hán, ngữ hệ Hán Tạng. Về mặt loại hình, Hà Nhì là ngôn ngữ âm tiết tính, có thanh điệu. 
---------------------------------------
Tài liệu được tổng hợp và biên soạn bởi TS. Phan Lương Hùng – Trưởng phòng nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học.

Nếu bạn đọc thực sự quan tâm đến nội dung bài viết và mong muốn đóng góp những ý kiến để bổ sung hoàn thiện bài viết thì xin hãy để lại những lời nhận xét ở bên dưới. Những đóng góp của quý vị sẽ là những tri thức quý báu giúp lan tỏa sự hiểu biết đến với mọi người.