Trang chủ | Giới thiệu | Dân tộc Hà Nhì | Học tiếng Hà Nhì | Sơ đồ trang

Tết người Hà Nhì ở Huổi Luông - Hò sự thò

Không có nhận xét nào
    Tết cổ truyền của người Hà Nhì ở Huổi Luông cũng giống như Tết của các dân tộc anh em khác trên cả nước, là dịp lễ lớn trong năm trong thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà sum họp để tổng kết một năm công tác, làm ăn, kinh tế và đón một năm mới với những kỳ vọng về những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến.

    Thời gian diễn ra Tết: vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1 năm sau (âm lịch) vào những ngày từ ngày 27 tháng 12 cuối năm đến mùng 2 tháng 1 năm mới.
    Thời gian diễn ra ngày tết vẫn chưa có sự thống nhất chặt chẽ thậm chí ngay cả các địa bàn khác nhau của người Hà Nhì ở Huổi Luông vẫn có nơi tết trước, có chỗ tết sau. Trước đây,  người Hà Nhì ấn định thời điểm đón tết là lúc cây bụi (*)  đâm hoa đua nở trắng xóa rừng núi, lúc đó rơi vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch cụ thể vào ngày Tuất trong tuần 12 con Giáp (âm lịch chỉ có hơn 2 tuần trăng trong một tháng). Hiện nay, nhờ có chính quyền chủ trương đón tết cùng người Việt nên những ngày tết của người Hà Nhì diễn ra cùng thời điểm với Tết người Việt, nhưng vẫn có phần tết trước một vài ngày, thông thường ở đây bắt đầu tết từ ngày 27 tháng 12, người Hà Nhì ấn định ngày Tuất để bắt đầu đón tết do đó tuần trăng gần cuối tháng 12 nhất cứ đến ngày Tuất là bà con sắm sửa đón tết.
(*) người Hà Nhì gọi là “sja zè” tiếng Việt thường gọi là cây chó đẻ - là một loại cây dại  mọc rất phổ biến ở nơi đây, cây ra hoa vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, hoa có màu trắng, nhìn kỹ có màu tím và có mật ngọt vì thế ong mật rất thích loài hoa này
    Theo suy luận từ thực tế thì trong một tuần trăng âm lịch có 12 con giáp theo đó ngày Ngọ là ngày đầu tuần và ngày Tỵ là ngày cuối tuần và bà con muốn định ngày giữa tuần là ngày tổ chức đón tết nhưng có điều ngày giữa tuần là ngày Hợi (tức ngày con lợn) mà bà con lại không muốn mổ lợn vào ngày Hợi nên bà con đã xác định là ngày Tuất trước ngày Hợi là ngày tổ chức tết, đó có lẽ là lý do vì sao người Hà Nhì Huổi Luông lại chọn ngày Tuất là ngày tổ chức đón tết.

    Nội dung ngày Tết: Tết âm lịch được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm nhằm tổng kết lại những gì đã làm được của một năm đã qua và cùng ăn mừng những thành quả đã đạt được dù cho có kết quả kinh tế thế nào đi chăng nữa nhưng với li rượu trên tay nâng mọi người ai nấy đều có lý do để chúc mừng năm mới; năm mới chúc nhau sức khỏe mới, chúc người già trường thọ, chúc trẻ nhỏ mau khôn lớn, chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà sinh sôi, tiết trời thuận lợi, mưa thuận, gió hòa,...

    Những hoạt động diễn ra vào ngày Tết:

    - Trước khi Tết: trước khi diễn ra ngày tết bà con sắm sửa đi chợ mua rau cỏ, thức ăn, đồ dùng phục vụ ngày tết; lau rửa đồ dùng, nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc, phát quan bụi rậm quanh nhà; chuẩn bị gạo, bột nếp, hái lá rong làm bánh; chẻ lạt bằng tre hoặc nứa để buộc thịt treo tết; làm giá bánh được đan bằng nẹp tre vát mỏng, có hai loại giá bánh một loại nhỏ cỡ khoảng 40cm2 và loại to cỡ khoảng 80 cm2.
    - Trong tết: công việc đầu tiên và quan trọng nhất vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên đón tết là mổ lợn tết, lợn tết được các gia đình nuôi nhốt trong năm để nó béo tốt nhất có thể, nhà nào không có thì đi mua lợn để đón tết, nhất định phải có con lợn tết. Lợn tết được dùng làm thờ cúng đồng thời làm thức ăn được chế biến thành các món khác nhau để ăn dần trong những ngày tết, những phần thịt chưa ăn hết sẽ được sẻ thành nhiều miếng nhỏ dài, xát muối và treo ở gác bếp để ăn dần (đó là biện pháp bảo quản tốt nhất của cha ông ngày trước trong điều kiện không có tủ lạnh), phần mỡ sẽ được rán ra để trong chum và dùng dần trong năm. Những gia đình nuôi được lợn tết rất to khoảng hơn 1 tạ (100kg) có thể lưu giữ thịt đến giữa năm sau và mỡ đủ ăn cả năm.

    Sau khi làm sạch hết lông thì lợn được mổ bụng làm sạch lòng sau đó lấy phần thịt gân ở chỗ nối phần sương chậu với sống lưng con lợn và cắt một ít thịt tim, gan, ruột để nấu cơm cúng, một ít cơm cúng sẽ được dâng lên bàn thờ tổ làm thủ tục cúng tổ tiên mà người Hà Nhì gọi là “À pùy hứ đa” sau đó mới lấy xuống cả gia đình ăn mà theo lý thì mỗi người trong gia đình cần ăn một miếng cơm cúng và đồng thời ăn sáng luôn, sau bữa sáng sẽ là một ngày bận rộn với rất nhiều công việc. Thông thường đàn ông trong nhà sẻ thịt, chế biến và bảo quản thịt, nếu lợn to thì có thể mời anh em họ hàng sang giúp; phụ nữ làm bánh. Có hai loại bánh đặc trưng cho ngày tết đó là bánh chưng tiếng Hà Nhì gọi là “Hò kúy” và bánh trôi tiếng Hà Nhì gọi là “Chsa le” (không giống với người Việt, người Hà Nhì coi bánh trôi là bánh đặc trưng của ngày tết và người già thường nói nhau câu truyền miệng rằng “ăn một miếng bánh trôi lại già thêm một tuổi rồi”), bánh chưng được làm từ gạo nếp gói bằng lá rong mà thành phần cụ thể bao gồm gạo nếp đã được trộn với bột than (**) được dã nhuyễn cùng với gạo nếp tạo thành gạo nếp có màu đen thâm, bỏ thêm một miếng thịt (nửa thịt nửa mỡ là tốt nhất) đã được ướt muối cho vào giữa gạo nếp và gói lại cẩn thận bằng lá rong buộc lạt ngoài tạo thành những đốt trông rất hấp dẫn, cuối cùng cho vào nồi to để đun cho tới khi chín thì bỏ ra để ráo nước và ăn dần (khác với người Việt bánh chưng người Hà Nhì không ngâm gạo nếp trước khi gói). Còn bánh trôi thì được làm từ bột nếp được xay ra rất mịn, nhào bột với nước sạch để viên thành những chiếc bánh tròn cỡ như đầu ngón tay cái vậy, bánh trôi người Hà Nhì không có nhân kẹo giống như bánh trôi ngày Rằm của người Việt mà thay vào đó là chấm bánh vào đường đỏ đã được nấu chảy hoặc chấm muối vừng để ăn. Bánh trôi cũng có hai loại, một loại bình thường để mọi người ăn, một loại to hơn nhưng lại số lượng ít hơn chỉ vài chiếc dùng để thờ cúng và không ăn loại này, loại bánh để thờ được bày trên giá bánh nhỏ và loại bánh thường được bày trên giá bánh to. Riêng bánh trôi phải thờ cúng tổ tiên trước mới được ăn còn bánh chưng thì không, thế nên mới nói bánh trôi mang giá trị đặc trưng cho ngày tết là chỗ đó.
(**) bột than được đốt từ thân của một loài cây có tên tiếng Hà Nhì là “chsò gó ló bja” tên tiếng Việt gọi là cây lúc lắc  
    Vào buổi tối ngày đầu đón tết, nhà nào ai nấy đều sẽ tổ chức tiệc để mời anh em, họ hàng sang chơi chúc tết năm mới, nhà nào chưa kịp thì đi dự tiệc theo lời mời của anh em và những ngày tiếp theo cứ tiếp diễn khung cảnh náo nhiệt với lời ca tiếng hò nô nức khắp bản làng mừng vui đón tết.

    Cũng vào buổi tối hôm đầu tiên lại diễn ra một hoạt động sinh hoạt đậm chất văn hóa dành cho những nam thanh nữ tú trong bản mà người Hà Nhì gọi là “Za za” hay nói cách khác là “Chsa le sá” (nghĩa là “xin bánh trôi”), hoạt động diễn ra từ khoảng 7 giờ tối các nam thanh nữ tú được lựa chọn tập trung lại tại nhà ông Lý trưởng thành một nhóm gồm 5 -7 người Nam và Nữ, trước đông đảo mọi người chủ yếu người già tập trung ở nhà ông Lý trưởng đón tết ăn mừng thì các nam thanh nữ tú cúi đầu quỳ gối rồi lại đứng lên lạy ba lạy và nghe lời chúc năm mới của đại diện già làng và trong khi đoàn người quỳ lạy nghe lời chúc của già làng thì một người dự tiệc tại nhà ông lý trưởng (thường là cô dâu nhà ông lý trưởng) sẽ lần lượt vỗ mạnh vào lưng các Nam thanh Nữ tú trong đoàn tỏ ý động viên tinh thần và chúc anh em trong đoàn mạnh khỏe sau đó đoàn người bắt đầu xuất phát với người cầm chiêng, nhóm khiêng trống đập nhịp náo loạn dẫn đầu đoàn, theo sau là một cô gái khỏe mạnh gánh trên lưng chiếc gùi cùng can to để đựng rượu trên lưng và một cô gái khỏe mạnh khác gánh chiếc gùi để đựng bánh cùng với đó là gái trai bọn trẻ ùa theo hô vang “Chsa le mà mjà ó xó xì bị lạ...” (tạm dịch là “Bánh trôi ít nhưng hãy cho ba chiếc bánh”) cùng với tiếng chiêng, tiếng trống tạo thành một không khí rất sôi động, đoàn người lần lượt đi qua từng nhà trong bản để tiến hành “xin bánh”, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một gói bánh trôi bao gồm vài chiếc bánh và sẽ có một vài bánh trôi to được gói trong gói bánh này, kèm theo đó là một miếng thịt nhỏ dài và một chai rượu, chai rượu được đổ vào can rượu được gùi trên lưng người con gái và gói bánh cùng với miếng thịt được buộc lại với nhau được ném vào gùi và mọi người đồng thanh hô vang “Luy"... nghĩa là may mắn, nhà có điều kiện có thể cho thêm bánh kẹo cho đoàn.

    Trong quá trình đoàn người “xin bánh” đi qua, có một số nhà đã chuẩn bị sẵn mâm cỗ để kéo hay mời cả đoàn vào nhà cùng ăn mừng ngày tết, xin nói thêm ở đây khi đoàn người đến nhà thì chủ nhà sẽ đem chiếc gùi bánh vào nhà và cả đoàn hiểu ý chủ nhà mời cả đoàn vào nhà dự tiệc.Tại đây những nam thanh nữ tú sẽ được thử sức với tiểu lượng của mình và sau một chốc vui mừng thì đoàn người lại tiếp tục hành trình của mình với hơi men nồng đoàn người càng lúc càng náo nhiệt chẳng mấy chốc hơi men lại biến đi đâu hết theo lời hô tiếng hò và cuộc hành trình kết thúc tại nhà ông Lý trưởng sau khi đã đi hết lần lượt các nhà (cá biệt có nhà có thân nhân qua đời trong năm thì đoàn người tuyệt đối không qua nhà đó) và tại đây đoàn người được nghỉ ngơi ăn uống.

    Chiều ngày hôm sau mới là thời điểm nối tiếp ngày vui của tối hôm trước của các nam thanh nữ tú, các nam thanh nữ tú lại một lần nữa lại tập trung lại tại nhà ông Lý trưởng và tiến hành tổ chức bữa tổng kết với những “chiếm lợi phẩm” từ tối hôm trước, tại bữa tiệc các nam thanh nữ tú thỏa sức ăn uống. Phần bánh xin được từ tối hôm trước được rán lên chín vàng và chia thành từ phần nhỏ chia cho mọi người trong bữa tiệc và bà con ai cũng có thể tới nhà ông Lý trưởng để thưởng thức miếng bánh; phần thịt được chế biến thành các món ăn dân dã để ăn mừng và uống rượu, cuối bữa tiệc ai nấy đều say sưa và cùng nhau cất tiếng ca nhảy múa theo tiếng chiêng, nhịp trống dồn vang, nhịp trống chiêng truyền thống có điệu là “tùng.. tùng .. chiêng ........chiêng ... tùng ... chiêng......” , “tùng... tùng ... chiêng ...... chiêng... tùng... chiêng”, “tùng .. tùng .. chiêng ... chiêng .. chiêng” cứ lặp đi lặp lại như vậy, theo truyền thống phía mặt sau của trống còn có thêm một vũ đạo múa trống, người này cầm hai chiếc rùi trống và vừa múa vừa đánh trống theo nhịp đánh của người đánh chiêng trống, ngoài ra các bà các cô cũng múa theo nhịp trống chiêng trên tay cầm “chập chiêng” (một nhạc cụ truyền thống được đúc bằng đồng có hai mảnh như hai cái đĩa úp vào nhau, ở giữa có mấu lồi lên được đục một lỗ nhỏ buộc dây để tay nắm vào, khi chập vào nhau sẽ phát ra tiếng kêu như chiêng) hòa theo nhịp chiêng trống reo vang “chập .... chiêng ......, chập..... chiêng.....”. Bữa tiệc kết thúc với màn dạo chơi của các đôi nam thanh nữ tú. Đó là một nét đẹp hiếm có ở một tộc người giữa rừng núi.

    Khác với người Việt tết người Hà Nhì mang những dấu ấn của cuộc sống lao động khổ nhọc và những đồ ăn thức uống rất đặc trưng của dân tộc thiểu số là thịt lợn cùng với đó là thức uống không bao giờ có thể thiếu vào các ngày lễ chính là rượu, có thể nói rượu là thức uống kỳ diệu giúp những con người lao động xua tan đi nỗi mệt nhọc của một năm lao động khổ nhọc, là thứ nước uống giúp con người vui vẻ cho dù cuộc sống thường ngày có ra sao và tất nhiên điều đó là cần thiết vào những ngày tết. Bạn sẽ không thể từ chối một ly rượu mừng nếu bạn có dịp về với dân bản nơi đây. Người ta nói chén rượu mở đầu câu chuyện thì quả thực không sai chút nào khi ở đây.

Nếu bạn đọc thực sự quan tâm đến nội dung bài viết và mong muốn đóng góp những ý kiến để bổ sung hoàn thiện bài viết thì xin hãy để lại những lời nhận xét ở bên dưới. Những đóng góp của quý vị sẽ là những tri thức quý báu giúp lan tỏa sự hiểu biết đến với mọi người.